Đọc tựa sách Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu, được biết là công trình đầu tay của Hy Giang Lê Thị Mai, tôi muốn nói về sự bắt đầu. Cổ nhân dạy: “Đường dài vạn dặm bắt đầu từ những bước đi đầu tiên” hay để có một cuốn tiểu thuyết dài ngàn trang phải bắt đầu từ đôi dòng khai bút. Vậy nên sự bắt đầu rất quan trọng. Với một người học sử như Hy Giang Lê Thị Mai, có lẽ viết cuốn sách sử về làng mình, về quê hương xứ sở của mình để bắt đầu là một cơ duyên hiếm có, đã thỏa niềm ao ước lớn trong đời.
Vùng đất Quảng Nam, xứ Quảng Nam, đất Quảng đều hàm ý về vùng đất rộng lớn ở phía Nam, có bề dày lịch sử và trầm tích văn hóa đặc sắc. Nó cũng được biết đến là “đất khoa bảng”, “đất địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh ra biết bao nhiêu bậc anh tài, hào kiệt cho đất nước. Những người con xứ Quảng luôn tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và đó chính là động lực giúp họ vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, để nghiên cứu sâu thêm về lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Cuốn sách “Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu” của Hy Giang Lê Thị Mai là một công trình như vậy. Sách mang tới cho người đọc một cách tiếp cận mới với những tư liệu mới và những lý giải có tính thuyết phục cao.
Thông qua việc khai thác nguồn tài liệu thành văn (mà trong đó tư liệu Hán - Nôm chiếm ưu thế), tác giả đã tập trung khảo cứu, phân tích và lý giải một số vấn đề lịch sử, văn hoá đất Quảng từ thời Champa đến thời chúa Nguyễn và từ đầu triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc với kết cấu làm 2 phần, mỗi phần 8 bài viết.
Trong Phần 1. Đất Quảng từ dấu xưa Champa đến thời chúa Nguyễn, tác giả đã thể hiện sự kỳ vọng, mong muốn tìm hiểu một cách có hệ thống về những vấn đề còn tồn tại tranh cãi hay các phát hiện tư liệu mới liên quan đến vùng đất Duy Xuyên - quê hương thân yêu của tác giả.
Mở đầu cuốn sách, người đọc được trở về thời quá khứ vàng son của vương quốc Champa cổ thông qua việc nghiên cứu vị trí toạ lạc, cảnh quan tự nhiên, quy mô và kỹ thuật xây dựng thành Điển Xung của vương quốc Lâm Ấp trong tác phẩm Thuỷ kinh chú. Rồi từ dòng “Đại Hoài Thuỷ” của thành cổ Sinhapura xưa, dòng sông mẹ xứ Quảng đã trở thành nỗi niềm trăn trở của tác giả: “Phải chăng Hoài Thuỷ - Hy Giang - Duy Xuyên là tên gọi cổ xưa của dòng sông mẹ ấy?”. Thông qua câu chuyện về tên gọi của một dòng sông, tác giả đã dẫn dắt người đọc trở về một giai đoạn lịch sử dài và đầy biến động của chính vùng đất quê hương mình. Để từ đó, tác giả cho rằng: “Mỗi dòng sông có đời sống riêng của nó. Câu chuyện dòng sông Mẹ xứ Quảng là câu chuyện dài như chính lịch sử của vùng đất này”. Và có lẽ chính hai nghiên cứu trên đã đặt nền tảng để tác giả đi sâu khai thác nguồn tư liệu Hán - Nôm, tập trung tìm hiểu chuyên sâu về địa danh học và các vấn đề làng xã xưa xứ Quảng với các bài viết: Địa danh qua tư liệu văn bia vùng Bắc Quảng Nam thời chúa Nguyễn, Văn bia trùng tu đình châu La Tháp (Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam), và Đơn vị hành chính Thuộc qua các thuộc ở Quảng Nam từ thời chúa Nguyễn đến đầu triều Nguyễn Nối tiếp những nghiên cứu về xứ Quảng thời chúa Nguyễn, tác giả đã theo dấu hành trình của hoà thượng Thích Đại Sán (cuối thế kỷ 17) qua tác phẩm Hải ngoại kỷ sự và rút ra các đặc trưng về phong thổ xứ Quảng xưa; hay dịch thuật và phân tích nội dung tấm bia Chân Quý tì khưu ký lược bi (Mai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) để từ đó luận giải nhiều vấn đề lý thú về sự giao lưu văn hóa - tôn giáo, kinh tế - thương mại giữa Trung Hoa (nhất là miền Quảng Đông, Phúc Kiến) với Đàng Trong Đại Việt giai đoạn này.
Trong Phần 2. Đất Quảng từ đầu triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc, tác giả tiếp tục phát huy sở trường của mình trong việc sử dụng nguồn tư liệu Hán - Nôm theo phương pháp so sánh, đối chứng để đi sâu làm rõ các vấn đề về địa danh học và làng xã xứ Quảng xưa.
Nghiên cứu địa danh, làng xã ở thời kì xa xưa của một vùng đất cần rất nhiều nguồn tư liệu, trong đó tư liệu văn bia giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Tác giả đã khai thác và khảo sát một cách công phu về hệ thống địa danh vùng Bắc Quảng Nam thời chúa Nguyễn (bao gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện phía Bắc là Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên cùng thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam
ngày nay) trên văn bia và làm rõ ý nghĩa của việc nghiên cứu hệ thống địa danh đó. Đặc biệt, tác giả đã giới thiệu, tiến hành khảo sát sự thay đổi địa danh làng xã ở dinh Quảng Nam trong Bản Tấu của Bộ Hộ năm Minh Mạng thứ 5 (1824) là một tư liệu hiếm gặp; hay khai thác Châu bản triều Nguyễn trong nghiên cứu một số vấn đề như đào sông Vĩnh Điện, lệnh kiêng húy chữ Hoa … Từ việc khảo sát trường hợp làng Du Xuyên ở địa bàn trung tâm thành phố Đà Nẵng; tản mạn câu chuyện về Khu phố Tây của thành phố Tourane (Đà Nẵng) đến công bố tư liệu quý về làng xã của thành phố năm 1923, tác giả bước đầu mở rộng phạm vi không gian nghiên cứu đến các làng xã xưa ở địa bàn thành phố Đà Nẵng và mở rộng phạm vi nội dung tìm hiểu về nhân vật lịch sử như ngài Nguyễn Duy Kế (Duy Xuyên, Quảng Nam) với làng Bàu Ấu (Phương Trì, Thuận Trì - quê hương của tác giả) và ngài Trúc Đường Phạm Phú Thứ với Hội Nguyên kiều (Đông Bàn, Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam), …
Như vậy, có thể nhận thấy, bằng việc khảo cứu tư liệu một cách kỹ lưỡng, tác giả đã thành công trong việc phục dựng một cách tương đối chân xác diện mạo của một số vấn đề địa danh học và làng xã xứ Quảng trải dài từ thời Champa đến thời thuộc Pháp. Đọc các bài viết trong tập sách này, chúng tôi đều cảm nhận được phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng và sự đầu tư thời gian của bản thân tác giả trong việc tìm tòi, dịch thuật và hệ thống hoá nguồn tài liệu thành văn vốn tản mạn ở nhiều nơi.
Với lập luận một cách gãy gọn, logic, tôn trọng sự thật lịch sử, các bài viết trong tập sách này đã đưa ra nhiều luận điểm mới, có tính phát hiện vấn đề và để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Những bài viết được đưa vào sách này trải dài theo đoạn đời tuổi đôi ba mươi của tác giả, độ tuổi chưa thấm sự đời nhưng đầy nhiệt huyết. Có lẽ vì vậy, bên cạnh những khảo cứu nghiêm túc, đủ sức thuyết phục thì cũng có những trang viết còn “non tay” mà một người nghiên cứu trẻ, mới bước vào địa hạt Hán - Nôm không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, viết về vùng đất nơi mình chôn nhau cắt rốn với tất cả tình cảm nhiệt thành và những tư liệu mới mẻ, nội dung cuốn sách là những ý tưởng mới, đã gợi mở nhiều vấn đề thú vị cho những nghiên cứu tiếp theo.
Với tất cả sự trân trọng dành cho tâm huyết của tác giả trong hành trình hơn 10 năm nghiên cứu, chúng tôi xin giới thiệu với quý độc giả tập sách: “Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu” của tác giả Hy Giang Lê Thị Mai
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | Nhà Xuất Bản Đà Nẵng |
---|---|
Ngày xuất bản | 2024-01-31 09:14:48 |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 454 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Đà Nẵng |
SKU | 6605694282341 |