LỜI NÓI ĐẦU
Kalila và Dimma là chuyện đầu trong nhiều chuyện được tập hợp lại thành quyển sách mà lịch sử biết đến dưới tên Ngụ ngôn của Bidpai. Sách xuất hiện tại Ấn Độ cách đây trên 2000 năm, thường được phỏng đoán là sau Những chuyện tiền thân của đức Phật (Jâkata) và chịu ảnh hưởng của tác phẩm này, ít nhất là trong cách mượn thú vật thế người để kể chuyện. Trong Jâkata, Đức Phật đã từng kể chuyện về tiền thân của mình trong nhiều kiếp như là nai, là khỉ, là chim, là sư tử… Ở đây cũng vậy, biên giới giữa người và thú không còn nữa, tất cả đều nói tiếng người, tất cả đều là ta, yêu thương hờn giận ngàn năm vẫn thế, con người vẫn thế với hèn hạ và thanh cao.
Thể loại kể chuyện như thế, mà bây giờ ta gọi là ngụ ngôn, chắc là mới mẻ vào thời đó, cho nên tiếng tăm của quyển sách vượt biên giới Ấn Độ, lan truyền khắp nơi, Ba Tư, Ả-Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Éthiopie, đến tận Trung Hoa. Vua Ba Tư phải phái sứ giả vượt biên lùng sách mang về. Sách được dịch khắp nơi, phổ biến trong mọi vùng văn hóa, kể cả Do Thái, thậm chí nguyên tác viết bằng tiếng Phạn không tìm ra được nữa, sách xưa nhất còn lại là sách dịch từ tiếng Ba Tư và Ả-Rập. Quá nổi tiếng, quá phổ biến rộng rãi, từ vua chúa đến bình dân, tất nhiên nguyên tác không tránh khỏi cải biên cho hợp với mỗi văn hóa, mỗi thời.
Cho đến thế kỷ 16, sách mới được biết ở châu Âu. Từ 1788 đến 1888, hơn hai mươi bản dịch khác nhau được xuất bản bằng tiếng Anh. Tại Pháp, thi hào La Fontaine, mà thế hệ chúng tôi tại Việt Nam từng học thuộc lòng rất nhiều bài thơ ngụ ngôn nổi tiếng năm châu, thú nhận: "Tôi xin nói, để cảm tạ, rằng một phần lớn trong các bài thơ ngụ ngôn của tôi là lấy từ Bidpai, nhà hiền triết Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra mọi ngôn ngữ". Từ đó, khi sách đã lan ra đến Âu châu, có người nói: sách của Bidpai biết nhiều quốc gia hơn cả quyển Thánh Kinh.
Nhưng ai là Bidpai, tác giả? Khó biết. Một trong những giả thuyết kể rằng, và tôi xin kể lại theo bà Doris Lessing: Sau khi Alexandre Đại đế chiếm Ấn Độ, Đại đế đặt lên một chính quyền bất công, bị dân chán ghét, và dân đã nổi dậy, lật đổ bạo chúa, đặt lên ngai một ông vua của mình, đó là vua Dabschelim. Nhưng… tránh vỏ dưa đạp vỏ dừa: vua sau không hơn gì vua trước. Một nhà hiền triết liều chết đến yết kiến vua để tâu rằng trời đất đang nổi giận vì vua tàn bạo, ngang ngược, không thực hiện bổn phận mang hạnh phúc đến cho dân như dân đã giao phó. Nhà hiền triết đó là Bidpai. Như Bidpai tiên đoán, vua tức giận, truyền giam ông vào ngục thất ghê tởm nhất, nhưng sau đó vài ngày, khi cơn giận đã dịu lại và trời đất thấm vào lòng, vua truyền đem ông vào hội kiến, và nhà hiền triết giáo huấn vua bằng những chuyện ngụ ngôn dễ hiểu, bình dân. Chính những chuyện "ngụ ngôn Bidpai" này là kho tàng văn hóa mà các ông vua ở các nước xung quanh muốn tìm gần ngàn năm sau.
Trong các thế kỷ sau đó, ngụ ngôn phát triển khắp nơi, và bất cứ ở đâu, ngụ ngôn cũng nhắm đến hai mục đích chính: giáo huấn và mua vui. Nhưng cái mới lạ mà ngụ ngôn Bidpai mang lại nằm ở cách kể chuyện, tạo nên một thể loại văn chương đặc biệt: chuyện này chuyện nọ không phải được kể riêng rẽ, mà lồng vào nhau, đan xen nhau quanh một chuyện chính như một cái trục, nhất quán từ đầu đến cuối, khiến người nghe, người đọc dễ bị cuốn hút, hấp dẫn hơn.
Tôi vốn thích kể chuyện cho trẻ em, đã từng thể nghiệm qua một quyển sách, đã từng diễn kịch bằng ngụ ngôn La Fontaine trong lớp hồi nhỏ mà không biết, kể cả khi lớn, La Fontaine của văn hóa Tây phương là đến từ Bidpai của phương Đông. Nghĩ rằng người lớn nào cũng đã từng là trẻ em, tôi tự hỏi: Tại sao không kể Bidpai cho các U, từ U20 đến U100? Chỉ với mục đích mua vui thôi, chắc cũng không đến nỗi làm mất thì giờ để chạy đua của thế giới ngày nay.
Vốn liếng của tôi chỉ căn cứ ở hai nguồn: một là quyển sách song ngữ tiếng Pháp và Ả-Rập do André Miquel dịch từ Ibn Al-Muqaffa, được xem như dịch giả Ả-Rập xưa nhất hồi thế kỷ thứ 8, ông này đã dịch từ bản dịch Ba Tư của Borzouyeh, người được vua Ba Tư phái đi lùng sách ở Ấn Độ hồi thế kỷ thứ 6; hai là quyển sách bằng tiếng Anh (được dịch ra tiếng Pháp) của Ramsay Wood (mà bà Doris Lessing viết Lời tựa), cả hai đều có nhan đề là Kalila và Dimma. Tài văn chương của Ramsay Wood đưa ông đi quá xa vào tiểu thuyết hóa, chắc là hợp với độc giả Âu châu, tôi không theo ông vì tôi nghĩ độc giả Việt Nam không ưa rườm rà, dài dòng, thích đi thẳng vào nội dung hơn. Nhưng Ramsay Wood dạy tôi một điều: hãy kể chuyện với văn phong của riêng mình, miễn là đừng xa với ý chính của ngụ ngôn. Do đó, tôi không phóng tác, cũng không tiểu thuyết hóa, trung thực với nội dung, nhưng bỏ những chỗ mà văn xưa, bối cảnh xưa không hợp với ngày nay, thêm thắt bằng tưởng tượng, bằng ý mới, lấy chỉ xưa thêu áo dài Việt Nam. Ngoài ra, tôi chỉ lấy ba chương trong Bidpai, những chương khác, không có chuyện lồng nhau, tôi thấy không cần thiết. Tôi viết nơi nhan đề : "kể lại" là vì vậy. Kể chuyện xưa đúng với chuyện xưa, nhưng làm mới cách kể chuyện bằng cảnh sắc mới và nhất là bằng văn phong riêng. Cuối cùng, ai đọc ngụ ngôn đều đọc chữ và đọc giữa những hàng chữ. Xưa nay ngụ ngôn vốn thế.
Cao Huy Thuần
---------
MỤC LỤC
Quyển sách này đã được viết như thế nào?
Lời nói đầu
Cổ thư
Bidpai
GIEO GIÓ...
Kalila nói với Dimma: “Bạn đang gieo gió,
bạn sẽ gặt bão”
Sư tử và bò
Con chồn và cái trống
Ông thầy tu và tên ăn trộm
Con quạ, con rắn và con sơn cẩu
Con cò và con cua
Con thỏ và con sư tử
Ba con cá
Con rệp và con rận
Con vịt và ngôi sao
Lạc đà, sử tử, chó sói, sơn cẩu và quạ
Con hải điểu và biển
Con rùa và hai con ngỗng
Bầy khỉ và con chích choè
Chàng xảo quyệt và chàng ngây ngô
Chim hải âu và con chồn xà thực
Chuột ăn sắt
Hoàng thái hậu
Ông hoạ sĩ và cái áo choàng
Ông lang băm và con gái của vua
Người đàn bà và con vẹt
BẠN VÀ THÙ
Vua hỏi nhà hiền triết: “Thế nào là làm bạn?
Có hay chăng kẻ thù giai đoạn và kẻ thù bản chất?”
Giữa bạn và thù
Bồ câu cườm, quạ và chuột
Người và rắn
Con chó sói muốn để dành
Ba nhà quê đổi mè
Con khỉ và con rùa
Con sử tử và con sơn cẩu
Cú và quạ
Cú, quạ và vua chim
Thỏ rừng và voi chúa
Chim hoạ mi, thỏ và mèo
Ông đạo sĩ bị lừa
Thương nhân, vợ và tên trộm
Quỷ, tên trộm và ông đạo sĩ
Người thợ mộc bị vợ lừa
Con chuột hoá thành thiếu nữ
Rắn hổ mang và nhái
Đầu năm nói chuyện ngụ ngôn
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | Công ty Cổ phần Xuất bản Khai Tâm |
---|---|
Ngày xuất bản | 2025-06-24 15:25:19 |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 224 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Văn Học |
SKU | 2133640172852 |