Tuần báo Phụ nữ tân văn (PNTV) là tờ báo thứ 2 ở Nam Kỳ do phụ nữ sáng lập, và được xem là tờ báo bằng chữ quốc ngữ thành công nhất Việt Nam thời đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách này sưu tầm tuyển chọn các bài viết của các nữ nhà báo, nhà văn đăng báo Phụ nữ tân văn (1929-1935), thảo luận về các vấn đề của phụ nữ buổi đầu biết đến bình quyền. Các tác giả trong sách là các nữ nhà văn nhà báo đóng vai trò các cây bút chủ lực, cũng là bộ biên tập của tòa báo PNTV, như: Mme Nguyễn Đức Nhuận, Đạm Phương nữ sĩ, Cao Thị Ngọc Môn, Hướng Nhựt, Vân Đài, Phan Thị Nga và đặc biệt là Manh Manh nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm, người có khối lượng bài viết chiếm nhiều nhất trên diễn đàn báo chí nổi tiếng này.
PNTV được ghi nhận là diễn đàn báo chí nổi bật với các hoạt động có chủ đích rõ ràng và bền bỉ: vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, khuyến khích học và sử dụng chữ quốc ngữ, kêu gọi phụ nữ tham gia các hoạt động công ích vì sự phát triển toàn diện của xã hội mới, sự tân tiến của quốc gia. Cách thực hiện chủ trương cụ thể và gần gũi với nhiều tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ quý tộc đến bình dân. Khuyên chị em giữ nếp cũ tốt đẹp và học theo cái mới ích lợi. Đả phá các hủ tục trói buộc người phụ nữ như tam tòng, tảo hôn... cũng như các thói rởm đời mới như hợm của, đua đòi... Khuyến khích phụ nữ tham gia các hội đoàn, luyện tập thể thao, mạnh dạn lên diễn đàn bày tỏ ý kiến của mình; cung cấp thông tin rộng rãi phong phú về các địa phương trên cả nước cũng như các bước tiến của phụ nữ nước ngoài, ngõ hầu mở mang dân trí phụ nữ, cổ vũ họ nghĩ và làm, bước ra xã hội chứ không còn nem nép xó nhà dưới trướng đàn ông...
Ngoài ra, theo dòng lịch sử, PNTV trở thành một nguồn tư liệu quý giá giúp hình dung về sự hình thành phát triển của báo chí và văn học phụ nữ Việt Nam những năm tháng mở đầu, với việc sử dụng toàn bộ và khá thuần thục chữ quốc ngữ trong các trước tác đăng báo của mình.
Các nữ tác giả chủ lực của báo Phụ nữ tân văn:
- Bà Nguyễn Đức Nhuận tên thật là Cao Thị Khanh, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Phú Nhuận, Gia Định. Thân phụ của bà là cụ Cao Văn Nhiêu (1860-1933), tự Thiện Khánh, thông thạo cả Hán học và Tây học, luôn chăm lo tới sự học của con cái. Em trai bà Cao Thị Khanh là Cao Văn Chánh cũng là một nhà báo, nhà hoạt động xã hội có tiếng ở Nam Kỳ. Chủ trương sáng lập báo Phụ nữ tân văn, bà Nguyễn Đức Nhuận cũng có viết bài đăng trên báo này. Ngoài ra, bà còn tham gia các hoạt động xã hội do phụ nữ sáng lập và điều hành.
- Đạm Phương nữ sử (1881-1947) là nữ nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động nữ quyền tiêu biểu nhất ở buổi đầu phong trào phụ nữ Việt Nam. Bà Đạm Phương dòng dõi hoàng tộc, tên thật là Công Nữ Đồng Canh, cháu nội vua Minh Mạng, con gái của Hoằng Hóa Quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện. Bà cộng tác với báo chí ngoài Bắc trong Nam từ cuối những năm 1910, trở thành nữ tác giả nổi bật trong làng báo làng văn cả ba kỳ những năm 1920. Năm 1926, bà sáng lập và là Chánh Hội trưởng Nữ công học hội Huế, tổ chức đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Bà Đạm Phương có tên trong danh sách những phụ nữ giúp biên tập Phụ nữ tân văn từ những ngày đầu khởi sự.
- Cao Thị Ngọc Môn (có thể cũng là người kí các tên Cao Ngọc Môn, Cao Thị) có tên trong danh sách những phụ nữ giúp biên tập Phụ nữ tân văn từ những ngày đầu khởi sự. Chúng tôi chưa tìm hiểu được thông tin về nhân thân tác giả này.
- Hướng Nhựt: Ngoài địa chỉ “Hà Nội” được ghi cùng với tên Hướng Nhựt trong những bài đăng báo đầu tiên, chúng tôi chưa tìm hiểu được thông tin về nhân thân tác giả này. Trên Phụ nữ tân văn, tác giả Hướng Nhựt viết bài ở mục Gia chánh, đồng thời cũng viết, dịch thuật các bài luận bàn về các vấn đề phụ nữ và xã hội.
- Bà Vân Đài (1903-1964), tên thật là Đào Thị Nguyệt Minh, là nữ nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Bà là nhà thơ nữ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới.
- Phan Thị Nga (?-1964), sinh trưởng trong gia đình gia thế, con gái ông Phan Huy Thịnh, một y sĩ ở Hội An. Cô Nga học trường Nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Năm 1930, tham gia cách mạng, bị bắt nhốt 11 tháng trong nhà lao Thừa Phủ vì tàng trữ sách cấm. Ra tù, được đưa về gia đình quản thúc một thời gian. Cuối năm 1934, cô có chuyến đi Nam Kỳ dài ngày, ở đây cô cộng tác rồi trở thành trợ bút báo Phụ nữ tân văn.
- Nguyễn Thị Manh Manh (1914-2005) tên thật là Nguyễn Thị Kiêm (trong một số trường hợp ghi là Nguyễn Thị Kim), còn được biết đến dưới biệt hiệu Manh Manh nữ sĩ, các bút danh Lệ Thủy, Nguyễn Văn Mym, MYM, M., M.M, là nữ nhà thơ, nhà báo từng làm sôi động làng văn làng báo Nam Kỳ những năm 1930. Tuyển vào làm trong tòa soạn, đăng bài, tổ chức cho cô Kiêm và cộng sự đi thực tế và diễn thuyết khắp Nam, Trung, Bắc, báo Phụ nữ tân văn đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cô Nguyễn Thị Kiêm trở thành một biểu tượng của người phụ nữ mới, nữ nhà văn hiện đại ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam |
---|---|
Ngày xuất bản | 2025-07-01 15:45:37 |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 600 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam |
SKU | 9261049772987 |