Giới thiệu SÁCH: Cho nhẹ lòng nhau - Tác giả: Giác Minh Luật
CHO NHẸ LÒNG NHAU
Tác giả: Giác Minh Luật
----------
🌸CHO NHẸ LÒNG NHAU - ĐỪNG ĐỌC ĐỂ HIỂU! HÃY CẢM THẤU!
Một tác phẩm văn chương, nếu rơi vào đánh giá không nên hoặc không cần hiểu, thường thì hoặc quá đơn giản, hoặc quá sâu xa, nhiều ẩn ý. Với tuyển tập “Cho nhẹ lòng nhau” của tác giả - Đại Đức Giác Minh Luật, theo tôi, không thể hiểu theo cả hai cách thông thường vừa nêu.
“Cho nhẹ lòng nhau” có những câu chuyện rất đơn giản - tôi thừa nhận điều đó; nên, nếu đọc để hiểu, thì tôi cam đoan rằng, độc giả chỉ cần đọc qua một lần là đã nắm bắt được nội dung, cốt truyện của 15 tác phẩm nhỏ bên trong. Nhưng, từ những câu từ đơn giản, mộc mạc ấy, từ góc nhìn cuộc đời của một người tu, tác giả đã cài cắm những thông điệp rất giá trị, gửi gắm đến người trẻ những lời tâm tình rất chân thành và cũng rất sâu sắc.
Giá trị lớn nhất ở “Cho nhẹ lòng nhau” mà tác giả - Đại đức Giác Minh Luật hướng đến, có lẽ là hiếu đạo. Sư nhắc nhiều về tình cảm giữa cha mẹ với con cái; từ đó khai thác tận cùng những dằn vặt, đấu tranh của nhân vật khi chọn giữa đạo và đời. Có lúc là nhân vật muốn xuất gia nhưng không đành lòng để mẹ ở lại một mình - như trong “Giữa đạo và đời”; cũng có lúc là sự hy sinh của cha mẹ để con được đuổi theo lý tưởng cuộc đời - như “Thưa Thầy! Con hoàn tục!”.
Hiếu đạo được tác giả khai thác, “ngắm nghía” ở nhiều góc nhìn; từ một thanh niên sa ngã biết quay đầu - “Ước nguyện chưa thành”, hay một thầy tu vì chữ hiếu mà phải ra đời - “Chú Hồng hoàn tục”, hoặc một cô bé xem chùa là nơi “trú ẩn” để tìm kiếm chút yên bình, rồi cũng phải rời đi để đồng hành cùng mẹ - “Con bé Điệu ở chùa”. Mặt khác, tác giả “cài cắm” rất nhiều tiểu tiết, trải đều khắp các tác phẩm để phát triển bằng hết chữ hiếu; mà dễ thấy nhất là hình ảnh các chú tiểu khóc nhớ mẹ cha.
Tiếp đến, không thể thiếu khi tác giả là một nhà sư, đó là góc nhìn từ bi của một người con Phật. Luôn cảm thấu, luôn thương yêu, luôn sẵn sàng sẻ chia cùng người khác. Có thể, với một số người, hành vi đến chùa quậy phá là không chấp nhận được; nhưng với người tu, việc đánh thức Phật tánh của chúng sanh là điều nên làm - “Con bé Sen phá chùa”. Hoặc, chuyện một nữ tu ham muốn đội thử tóc lên đầu để tự xem hình tướng khác của mình ra sao, rất có thể sẽ bị đánh giá là còn si mê những điều trần tục; nhưng với cái nhìn của người tu, đó là một điều hết sức bình thường, mà vượt qua rồi ắt sẽ thấy nhẹ bẫng. Là một người tu, tác giả để nhân vật của mình được khóc với nỗi đau của huynh đệ, của chúng sanh. Hình ảnh này, tưởng ủy mị, nhưng thực chất lại thể hiện được tính từ bi trong suốt cả tuyển tập.
Nếu xét về yêu cầu văn chương, “Cho nhẹ lòng nhau” còn một số tác phẩm “chưa đạt”. Có thể hiểu là những tác phẩm này quá đơn giản, chưa có cao trào, thiếu hẳn xung đột tâm lý - như “Đám bạn thân của Huệ Hiếu”, “Chú tiểu Pháp Đăng”. Nhưng với tôi, chính từ đây mới tạo ra quan điểm tập sách này không thể chỉ đọc - hiểu. Đơn cử “Chú tiểu Pháp Đăng”, tác giả dành khá nhiều “đất” để trích Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân; tác giả lại không khai thác quá nhiều tâm lý của nhân vật - tức là, không dùng văn tả. Tuy nhiên, khi kết hợp với thông điệp gửi gắm từ đầu, rằng, “Con không biết làm gì, ngoài cố gắng tu tập thật tốt, để có thể đắc đạo, để cứu mẹ ra khỏi đọa đày!”, cùng với truyền thuyết Mục Kiền Liên, thì rõ ràng, tác phẩm này phản ánh được trọn vẹn tấm lòng hiếu đạo của nhân vật Pháp Đăng - lòng hiếu thảo xây dựng nên hy vọng và hành trình tu học tiếp sau của nhân vật.
Tôi chỉ khá tiếc một điều ở tuyển tập “Cho nhẹ lòng nhau” này, vì có lẽ tác giả là người tu, nên không đủ “mạnh tay” khai thác những góc “đời” hơn, để thấy rõ ràng hơn thực tế nỗi đau mà con người sẽ phải trải qua, sẽ luẩn quẩn nếu không tự tìm lối thoát cho chính mình - như trong “Thưa thầy! Con hoàn tục!”, hay trong “Mùi làm sư cô”.
Tôi nghĩ, “Cho nhẹ lòng nhau” là một thiện duyên dành cho những người trẻ còn đang chênh vênh, đang loay hoay với hiện tại, không tìm thấy hướng đi cho tương lai của mình. Dĩ nhiên, đọc không phải để xin cạo đầu xuất gia, mà như ở lời chia sẻ của tác giả ở cuối tập truyện: “Tu ở đâu cũng được, miễn là có tu”. Nên, chắc chắn, những người trẻ khi đọc rồi, cảm đủ rồi sẽ tìm thấy gì đó hay ho cho riêng mình. Tôi không biết nói sao cho đúng; vì như từ đầu tôi đã nói - tuyển tập này không phải đọc để hiểu, mà, hãy cảm thấu!
#saigonbooks #Chonhẹlòngnhau #GiácMinhLuật
----------
Công ty phát hành: Saigon Books
Mã sản phẩm: 8935278600701
Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Kích thước: 13 x 20.5 cm
Số trang: 240
Năm phát hành: 09/2019
Giá bìa: 96.000đ
Giá GROKINU