Giới thiệu Sách - Chú Bé Mang Pyjama Sọc
Khi nhìn thấy bìa và tên sách “Chú bé mang Pyjama sọc” mình cứ nghĩ đây sẽ là một cuốn truyện dễ thương, đáng yêu, vui vẻ nhưng khi đọc rồi thì mới biết “dễ thương”, “đáng yêu” thì có nhưng “vui vẻ” thì hoàn toàn không!
Bruno cùng gia đình (gồm bố, mẹ, chị gái và người hầu) phải chuyển đến ngôi nhà ở Ao Tuýt – nơi bố của Bruno có “những việc lớn cần làm”. Cậu không thích nơi ở mới chút nào vì ở đây không có những sạp rau củ quả đầy chất ngất, đường phố đông đúc vào cuối tuần, 3 cậu bạn thân nhất hay những ngôi nhà lớn như ở Berlin. Vì vậy, cậu chẳng thể làm gì khác ngoài việc tự tìm niềm vui cho bản thân. Cậu bắt đầu thực hiện trò chơi thám hiểm ưa thích và ngay ngày đầu tiên thám hiểm, cậu bắt gặp Shmuel – cậu bé cùng tuổi sống phía bên kia hàng rào. Và tình bạn bí mật của hai đứa trẻ bắt đầu từ đó.
Từ ngày quen biết Shmuel, Bruno bắt đầu cảm thấy thân quen với Ao Tuýt và không chắc chắn về việc muốn quay lại Berlin, thậm chí cậu còn quên cả tên một trong ba đứa bạn thân nhất. Bỗng một ngày nọ Bruno nhận được tin sẽ phải trở về Berlin cùng gia đình nên cậu đã chào tạm biệt Shmuel theo một cách đặc biệt. Ngày cuối cùng ở lại Ao Tuýt, Bruno mặc quần áo giống như Shmuel, chui qua hàng rào để thực hiện lời hứa đi tìm bố cho Shmuel. Thực ra chuyện tìm bố cho Shmuel là một phần, phần quan trọng hơn cả đó là Bruno muốn khám phá cái thế giới phía bên kia hàng rào – nơi cậu đã nhìn thấy mỗi ngày từ cửa sổ phòng riêng. Nhưng tìm mãi chẳng thấy bố Shmuel và trời thì bắt đầu mưa nặng hạt. Lúc Bruno có ý định về thì bất chợt tiếng còi tuýt vang lên và theo như lời Shmuel nói, rằng họ bắt buộc phải diễu hành.
“Và từ đó không ai nghe thấy tin tức gì về Bruno nữa”.
Sự thật của câu chuyện như sau:
Ao Tuýt chính là Auschwitz – một trại tập trung của Đức Quốc Xã từ năm 1940 – 1945. Đây là nơi giam giữ những người có nguồn gốc Do Thái và một số chủng tốc khác ngoài Đức.
Bộ “pyjama sọc” chính là bộ quần áo tù nhân (nhưng trong mắt của Bruno thì nó giống như một bộ pyjama kẻ sọc).
“Phía bên kia hàng rào” là trại tập trung người Do Thái. Tất cả người Do Thái đều bị bắt và đưa đến đây, chia khu nam – nữ riêng. Đàn ông sẽ phải làm các công việc nặng nhọc, lao động khổ sai, phụ nữ sẽ làm các công việc khác như giặt giũ, may vá,…Họ luôn bị đánh đập, bị bỏ đói, bị đối xử tàn nhẫn.
“Diễu hành”: thực chất là xếp hàng để vào “phòng hơi ngạt”. Đây là cách mà Đức Quốc Xã “xử lý” người ngoài chủng tộc.
Có lẽ những điều kể trên đã đủ để bạn hình dung ra câu chuyện rồi đúng không?
Đây là một cuốn sách hay và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình bạn. Một tình bạn thật đẹp giữa hai đứa trẻ thấu hiểu lẫn nhau, đồng hành cùng nhau, vượt qua hàng rào ranh giới giữa những con người khác sắc tộc. Một tình bạn đẹp tới mức mà đến lúc cuối cùng, vẫn cứ nắm chặt tay nhau và nói rằng: “Cậu là bạn thân của tớ. Bạn thân nhất đời của tớ, Shmuel ạ”.
Thực sự khi đọc xong “Chú bé mang pyjama sọc”, mình cảm thấy rất đáng tiếc và xót xa. Đáng lẽ Bruno có thể về, sớm hơn chút nữa Bruno sẽ kịp về rồi. Nhưng nếu mọi chuyện tốt đẹp, cái kết có hậu thì câu chuyện đã chẳng cần phải viết lên, cũng sẽ chẳng có dư âm đặc biệt nào đọng lại trong lòng người đọc và cũng chẳng có những độc giả như mình khắc khoải thêm nữa. Có như vậy, mình mới cảm nhận được sự khủng khiếp của nạn phân biệt chủng tộc thời xưa, Chế độ phát xít Đức tàn ác, vô nhân đạo đến nhường nào. Tất nhiên mọi thứ kinh khủng đã được giảm tải đáng kể qua con mắt của đứa trẻ như Bruno, như Shmuel. Nhưng sự thật thì vẫn còn đó. Đã có hàng triệu người Do Thái bị giết theo những cách thức dã man trong thời kỳ Đức Quốc Xã và biết bao số phận đáng thương, bao câu chuyện đau lòng được kể lại. Mình có tìm hiểu đôi chút và nhận thấy rất nhiều cuốn sách viết về đề tài này. Về phim ảnh, bạn có thể xem Life Is Beautiful (1997) để hiểu rõ hơn nhé.
“Chú bé mang pyjama sọc” còn được chuyển thể thành phim và công chiếu vào năm 2008. Một lời nhắn nhủ quen thuộc là vẫn hãy nên đọc sách trước khi xem phim để có thể nắm bắt sâu hơn nội dung.
Bìa sách minh họa đơn giản, toát lên điều gì đó rất “trẻ em” với hình vẽ hai chiếc máy bay: 1 kẻ sọc, 1 màu vàng – biểu trưng cho hai cậu bé.
Công ty phát hành Nhã Nam
Tác giả John Boyne
Ngày xuất bản 08-2018
Kích thước
13 x 20.5 cm
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 253
Giá MEH