Giới thiệu Sách - Chuyện chi đây th
Chuyện chi đây
Công ty phát hành: Thái Hà
Tác giả: Lý Tứ
Nhà xuất bản: Hà Nội
Khổ: 15.5 x 24 cm
Số trang: 396 trang
Năm xuất bản: 2021
[ThaiHaBooks] “Chuyện chi đây” cuốn sách thứ 2 của thầy Lý Tứ sau cuốn “Câu chuyện trên mây” do Thái Hà xuất bản, cuốn sách tập hợp hơn 70 câu hỏi và cách trả lời trực diện, thẳng thắn, dễ hiểu về Phật đạo và cuộc sống của thầy Lý Tứ giúp độc giả sẽ hiểu thêm về đạo Phật.
Trong cuốn sách có rất nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm, ví dụ như thế nào là tu đúng tu sai, đã được thầy cắt nghĩa như sau: Một chữ tu, chưa nói được điều gì. Trong đời có rất nhiều phép tu, cách tu. Mỗi phép tu, cách tu đều có con đường (đạo lộ) và đích đến (cứu cánh) riêng của nó. Tất nhiên, con đường này không thể dẫn đến mục tiêu kia. Ví dụ: Muốn đến ngôi làng ở hướng Tây, không thể đi trên con đường dẫn đến hướng Đông, không thể dùng thuốc đau bụng trị nhức răng… và biết rằng, trên đời không hề có một thứ thuốc chữa lành mọi căn bệnh, đây là lý do vì sao Phật đạo có rất nhiều phương tiện.
Vì thế, chỉ khi nào người ta đưa ra mục tiêu tu tập của bản thân là gì, sau đó mới có thể xét đến con đường người ấy đang đi (đang tu) là đúng hay sai. Giống như (thầy thuốc) có biết người ấy bệnh gì, mới nói rằng thứ thuốc mà bệnh nhân đang uống là đúng hay sai.
Trường hợp câu hỏi của bạn có nội dung, chủ đích thật sự là: Tôi muốn thành tựu các mục tiêu của Phật đạo, làm thế nào để biết rằng những điều tôi đang tu tập trong hiện tại (so với mục tiêu của Phật đạo) là đúng hay sai?
Mình xin trả lời:
Phật đạo có bốn mục tiêu, hay bốn điều cơ bản ta quen gọi là bốn đế, đó là Khổ đế; Tập đế; Diệt đế và Đạo đế. Người tu hành muốn biết tu đúng hay sai, phải căn cứ vào bốn mục tiêu nêu trên. Bốn đế chính là mực thước, là giáo trình tu học từ thấp lên cao của Phật đạo.
Nếu trong quá trình tu hành, những phương tiện nào giúp ta lần lượt thành tựu các mục tiêu nêu trên (hết Khổ, dứt Tập, chứng Diệt, tu Đạo), giúp ta nắm vững giáo trình tu tập của từng giai đoạn… thì biết chắc rằng, con đường ta đang đi là đúng.
Ngược lại, con đường nào không giúp ta thành tựu một hay những điều đã nêu, không giúp ta thông suốt giáo trình tu tập trước mắt, nhất định bản thân phải coi lại phương tiện mình đang tu học. Cụ thể bốn mục tiêu của Phật đạo như sau:
Mục tiêu thứ nhất, hết Khổ
Mục tiêu này khi đạt được tám món khổ nhân sinh là: Sanh khổ; Lão khổ; Bệnh khổ; Tử khổ; Ái biệt ly khổ; Oán tắng hội khổ; Cầu bất đắc khổ và cuối cùng là Ngũ ấm xí thịnh khổ sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất, hoặc chấm dứt vĩnh viễn (Bạn có thể tìm hiểu ý nghĩa của tám món khổ này trên Google).
Mục tiêu thứ hai, dứt Tập
Sau khi hết khổ, người tu hành trong Phật đạo phải tinh tấn giải quyết mục tiêu thứ hai, đó là chấm dứt phiền não, kiết sử, lậu hoặc… Thành tựu mục tiêu này, “Vô lậu quả” sẽ xuất hiện.
– Vô lậu là: Phiền não, kiết sử và ngu si không còn rỉ chảy làm che mờ tâm trí.
– Phiền não gồm bốn món là: Kiến nhứt thiết xứ phiền não trụ địa; Dục ái phiền não trụ địa; Hữu ái (hay Sắc ái) phiền não trụ địa và Vô minh ái phiền não trụ địa.
– Kiết sử gồm mười món là: tham; sân; si; mạn; nghi; thân kiến; biên kiến; kiến thủ; giới cấm thủ và tà kiến.
– Lậu hoặc gồm ba cảnh giới: dục lậu; hữu lậu và vô minh lậu.
– Ngu si hay vô minh thế gian gồm: Nhuận chi vô minh và Căn bản vô minh; Vô minh xuất thế có Vô minh trụ địa.
Mục tiêu thứ ba, chứng Diệt
Mục tiêu này thuộc về Xuất thế gian. Có nghĩa, sau khi đã thực hiện hai mục tiêu trên, tâm và trí người tu hành lúc này không còn u tối, như trời hết mây, như người hết mù… bây giờ sẽ được Thiện tri thức khai thị để vị ấy thấy được Bổn tâm và Bổn tánh, nói nôm na là “minh tâm kiến tánh”. Sau khi thấy hai thứ ấy, vị tu hành hoàn thành mục tiêu tự độ, gọi là chứng Diệt đế hay thành tựu Xuất thế gian pháp.
Mục tiêu thứ tư, tu Đạo
Sau khi phần tự cứu đã xong… vị tu hành tiếp tục tinh tấn để đạt được mục tiêu còn lại của Phật đạo, đó là: Học trí tuệ để giúp người, ta quen gọi là học Nhất Thiết Trí hay học Bát Nhã Trí, giống Thiện Tài Đồng Tử hay Tát Đà Ba Luân ngày xưa đi học được ghi lại trong kinh. Học xong Đạo đế, người này thành tựu đạo quả Xuất thế gian thượng thượng (Xem kinh Đại Niết bàn).
Ta có thể hiểu sự học của giai đoạn này giống như người đã học xong phổ thông trung học, nay tiếp tục học sư phạm để có thể đi làm thầy giáo. Hoặc giống như người đã tìm được một khối vàng cực lớn, nay đi học nghề kim hoàn để tự thân có thể làm thành các món trang sức như cà rá, dây chuyền… đem ra nhân gian bố thí theo sở thích của từng người.
Hy vọng, những giải thích trên, có thể giúp bạn tự nhận biết con đường mình đang đi là đúng hay sai.
Các bạn… Hỏi và đáp là một nghệ thuật, Phật thường hay khen ngợi người khéo hỏi và kẻ khéo trả lời. Vì thế, nếu ta đưa ra câu hỏi không cụ thể, chủ đích không rõ ràng, câu hỏi chung chung… sẽ khó nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Công ty cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!
Giá ENCS