Giới thiệu Sách - Ngồi yên như chú ếch
Lần đầu tiên tôi biết đến Ngồi yên như một chú ếch là khi đang lục lọi ở một nhà sách lớn giữa trung tâm thành phố Amsterdam hồi tháng Tư năm 2011. Joke Hellemanns là người chỉ cho tôi cuốn sách này. Cô là người Hà Lan, chuyên giảng dạy về giảm căng thẳng nhờ chánh niệm, cô đã đọc và rất thích nó. Một giá lớn xếp đầy đầu sách thuộc một khu vực rộng lớn bày những cuốn sách về chánh niệm – loại sách mà thậm chí chỉ vài năm trước thôi cũng không ai tin nổi lại có mặt trong một tiệm sách truyền thống ở bất cứ đâu. Bản thân cách bài trí nổi bật này đã là minh chứng cho việc chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới, trong đó việc đào tạo và thực hành chánh niệm đang nhanh chóng trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống. Sách của Eline Snel và công việc của cô với trẻ em ở Hà Lan là một phần của một phong trào lớn hơn nhiều xuất hiện trong 10 năm qua tại nhiều quốc gia nhằm đào tạo về chánh niệm trong các trường phổ thông. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách của Eline là cô đã đi tiên phong trong việc đưa ra cách tiếp cận trực tiếp, giàu trí tưởng tượng, và gần gũi với trẻ em.
Việc thực hành chánh niệm ở bất cứ lứa tuổi nào cũng vừa giản dị vừa sâu sắc. Trước hết, đó là vấn đề học hỏi – học cách trau dồi để đạt được mức độ cao hơn, sâu hơn của sự tự nhận thức và nhận thức về người khác cũng như về thế giới, sau đó thu hoạch những lợi ích to lớn của nhận thức này – cả bên trong lẫn bên ngoài. Các ứng dụng cụ thể của việc học này dường như là vô tận. Chúng ta không biết đâu là những kiến thức con em mình sẽ cần đến nhất trong mười, hai mươi hay thậm chí chỉ năm năm tới, bởi vì đến lúc đó, thế giới và công việc của chúng sẽ khác rất nhiều so với ngày nay. Chúng ta chỉ biết rằng chúng sẽ cần phải biết cách chú ý, lưu tâm, tập trung, lắng nghe, học tập và cách để có được mối quan hệ sang suốt với bản thân chúng – bao gồm những suy nghĩ và cảm xúc của chúng – và với những người khác. Như bạn sẽ thấy, bộ kỹ năng về cách tiếp cận kiến thức và nhận thức vốn có bên trong mỗi con người như vậy chính là trọng tâm của chánh niệm.
Chánh niệm là năng lực bẩm sinh được khai thác, phát triển và đào sâu thêm thông qua thực hành. Nó chắc chắn liên quan đến việc nuôi dưỡng, theo nghĩa gieo trồng và tưới tẩm hạt giống, rồi chăm bón hạt giống đó từ khi chúng mới bắt rễ và phát triển trong mảnh đất trái tim chúng ta, rồi đơm hoa, kết trái theo những cách đầy thú vị, hữu ích và sáng tạo. Tất cả điều đó đều bắt đầu với sự quan tâm chú ý và hiện diện ở hiện tại. Khi được điểm danh mỗi ngày, trẻ em trả lời bằng cách nói “có”. Nhưng đôi khi, chỉ có thể xác các em là ở trong lớp, còn tâm hồn thì đang treo ngược trên cành cây. Chánh niệm là học cách hiện diện một cách trọn vẹn. Đây chính xác là những gì cuốn sách này nói đến.
Ngồi yên như một chú ếch giới thiệu những điều căn bản về chánh niệm cho trẻ em một cách dễ hiểu và thú vị. Cuốn sách hướng dẫn trẻ em trau dồi khả năng hiện diện: sự hiện diện của tâm trí, của trái tim; và hiện diện bên trong cơ thể. Trạng thái hiện diện xảy ra khi chúng ta để tâm chú ý, khi chúng ta kết nối với trải nghiệm của mình. Chất lượng của sự quan tâm chú ý được phát triển và làm sâu sắc hơn bằng cách chú tâm đến bất cứ điều gì nổi bật nhất và quan trọng nhất trong từng thời điểm. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều có tiềm năng nhưng thường không chú ý trau dồi. Điều này đòi hỏi phải biết chú tâm và tập trung. Tại sao không bắt đầu rèn luyện những năng lực đó ngay từ khi còn trẻ? Thế giới ngày nay phức tạp và biến đổi nhanh chóng đến nỗi, việc biết cách tự đặt nền móng cho bản thân mình trong giây phút hiện tại trở thành yếu tố tối cần thiết để hiểu về thế giới và tiếp tục học hỏi, phát triển, đóng góp những điều duy nhất chỉ có ở bạn cho thế giới này.
Chưa từng có một sự rèn luyện nào về trí tuệ và tâm từ như thế được áp dụng cho trẻ em. Hiện nay nó đang dần được đưa vào các trường, tích hợp trong các buổi học và chương trình giảng dạy. Ngày càng nhiều cha mẹ muốn học về chánh niệm, không chỉ cho bản thân họ và có lẽ còn với ý tưởng bước đầu làm cho con cái làm quen với chánh niệm nhằm giúp chúng nắm bắt tốt hơn những gì chúng có thể phải đương đầu trong trường học và trong cuộc sống. Như vậy, việc giúp con cái học cách thực hành chánh niệm là một động lực xứng đáng, miễn là bạn không vô tình gán nó cho con để thỏa mãn những kỳ vọng và sự nhiệt tình của riêng bạn. Đương nhiên, chúng ta, với tư cách là cha mẹ, luôn mong muốn con cái của mình được hưởng lợi từ những hoạt động rèn luyện sự quan tâm chú ý và cân bằng cảm xúc. Nhưng nhiệt tình thái quá hoặc quá kỳ vọng vào một kết quả có thể thành ra phản tác dụng, có khả năng làm cho con cái chúng ta chán ghét mọi thứ liên quan tới chánh niệm. Hơn nữa, áp lực loại đó không phù hợp với bản chất “định hướng phi mục đích” của thực hành chánh niệm.
Giá enqAI