Giới thiệu Sách- Truyền thống khuyến học ở Nghệ An qua tư liệu Hán Nôm
“TRUYỀN THỐNG KHUYẾN HỌC Ở NGHỆ AN QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM”
THÔNG TIN SÁCH
Tên sách: Truyền thống khuyến học ở Nghệ An qua tư liệu Hán Nôm
Thể loại: Khảo cứu
Dịch giả: Lê Thị Thu Hương
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 416
Hình thức: Bìa mềm
Giá bìa: 250.000 đ
Số ISBN: 978-604-308-820-5
Mã vạch: 893-610-781-285-2
Đơn vị liên kết: Tri Thức Trẻ Books & NXB Khoa Học Xã Hội
GIỚI THIỆU VỀ CUỐN SÁCH
TRUYỀN THỐNG KHUYẾN HỌC Ở NGHỆ AN QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM
Khuyến học, khuyến tài luôn là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển con người; đồng thời là nhu cầu thực tiễn trong đời sống xã hội từ xưa đến nay. Với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, ngày nay, khuyến học càng cần được chú trọng, đề cao, với nhiều biện pháp hữu hiệu. Việc tìm hiểu, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm khuyến học trong quá khứ để chắt lọc, kế thừa và phát huy cho hiện tại là việc làm cần thiết.
Nghệ An là vùng đất có truyền thống hiếu học và khoa cử, xuất hiện nhiều gia đình khoa bảng, dòng họ khoa bảng và làng khoa bảng. Tuy nhiên, trước nay người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn, điều đó gây trở ngại lớn trong việc dạy và học của con em Nghệ An. Để khắc phục trở ngại đó, đồng thời khuyến khích con em học hành, đền đáp công ơn người thầy, người dân đã lập ra các hình thức khuyến khích học và dạy, được gọi chung là “khuyến học”.
Nghiên cứu khuyến học tỉnh Nghệ An qua tư liệu Hán Nôm, cuốn sách tập trung vào một số vấn đề: xác định các khái niệm cơ bản; tình hình nghiên cứu liên quan đến khuyến học tỉnh Nghệ An; khảo sát, hệ thống hóa nguồn tư liệu; nghiên cứu đặc điểm văn bản; nội dung khuyến học và đặc điểm nội dung khuyến học tỉnh Nghệ An qua nguồn tư liệu Hán Nôm. Ngoài ra, cuốn sách còn phân tích những hạn chế về mặt tư tưởng của khuyến học xưa, liên hệ với thực tiễn, đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn tư liệu Hán Nôm; góp phần đưa công tác khuyến học, khuyến tài tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung đạt kết quả.
Cuốn sách tập trung khai thác những thông tin khuyến học của tỉnh Nghệ An qua nguồn tư liệu Hán Nôm như: tục lệ, đăng khoa lục, gia phả, gia huấn, địa chí và bi ký. Nguồn tư liệu này gắn liền với nền giáo dục khoa cử Nho học cho đến những năm đầu thế kỷ XX, khi khoa cử Nho học kết thúc và mở đầu giai đoạn Cải lương hương chính (1919 - 1921).
Cuốn sách chỉ ra rằng chính sách khuyến học ở Nghệ an xưa đã được vận dụng một cách linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quá khứ, có nhiều điều đáng học hỏi để kiện toàn và thúc đẩy hệ thống giáo dục ngày nay ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giá STASH