Sự Xung Đột Giữa Quyền Con Người Và Quyền Sở Hữu Trí Tuệ: Tiếp Cận Từ Triết Lý Pháp Luật Và Thực Tiễn Pháp Lý - Trần Kiên chủ biên - (bìa mềm)

Có hai chế định pháp lý đóng vai trò nền tảng cho việc tạo lập và vận hành của thế giới hiện đại đó là chế định quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu như quyền con người là ánh sáng soi rọi và ...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Sự Xung Đột Giữa Quyền Con Người Và Quyền Sở Hữu Trí Tuệ: Tiếp Cận Từ Triết Lý Pháp Luật Và Thực Tiễn Pháp Lý - Trần Kiên chủ biên - (bìa mềm)

Có hai chế định pháp lý đóng vai trò nền tảng cho việc tạo lập và vận hành của thế giới hiện đại đó là chế định quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu như quyền con người là ánh sáng soi rọi và dẫn đường cho các cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân quyền đập tan chế độ phong kiến, nông nô mở ra thời kỳ khai sáng, hiện đại thì quyền sở hữu trí tuệ lại là động lực cho các phát kiến vĩ đại về văn hóa, nghệ thuật, khoa học tạo ra các thay đổi căn bản trong đời sống tinh thần và vật chất của con người. Cho đến thời điểm hiện tại, quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ vẫn là hai chế định đang có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với nhân loại. Ảnh hưởng của hai chế định này không chỉ dừng lại ở các vấn đề nền tảng về tư tưởng, lý luận, mà còn mở rộng đến cả các địa hạt thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển của thể chế, luật pháp, kinh tế và văn hóa của các quốc gia, đặc biệt là cùng với quá trình toàn cầu hóa, dân chủ hóa và cách mạng công nghệ trên thế giới.

Hai chế định cơ bản này trong một thời gian dài đã tồn tại và phát triển một cách song song và độc lập với nhau; được xây dựng, giải thích, áp dụng trên các nền tảng triết lý, kỹ thuật lập pháp và đối tượng điều chỉnh khác nhau. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nhân loại, sự phát triển đa chiều của các đối tượng điều chỉnh, của các mối quan hệ xã hội, hai chế định này đã bắt đầu giao thoa và thậm chí xung đột với nhau. Sự xung đột này liên quan đến cả góc độ triết lý và thực tiễn pháp lý, qua các quy định pháp luật và quyết định giải quyết tranh chấp.

Đầu tiên, xung đột giữa quyền sở hữu trí tuệ với quyền con người bắt nguồn từ những triết lý, quan điểm, quy tắc và mục tiêu trái ngược nhau mà hai chế định này áp dụng cho cùng một đối tượng, đó là sự sáng tạo của con người, hay theo lời của Giáo sư Joseph Stigliz, Nobel kinh tế năm 2001, là các thông tin. Một mặt quyền sở hữu trí tuệ trao cho chủ thể các độc quyền khai thác và sử dụng các thành quả sáng tạo hoặc vì mục đích khuyến khích sự sáng tạo hoặc để ban thưởng cho tác giả. Mặt khác, quyền con người lại nhấn mạnh đến sự tiếp cận và khai thác các thành quả sáng tạo đó của xã hội nói chung vì mục tiêu sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nói cách khác đó là sự xung đột giữa kiểm soát và tiếp cận. Nhiều hình thức xung đột đã nảy sinh và được ghi nhận cả trong lý thuyết lẫn thực tế, ví dụ như giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận. Giữa sáng chế với quyền được sống. Giữa nhãn hiệu với tự do kinh doanh và tự do biểu đạt. Hay giữa quyền sở hữu trí tuệ với việc bảo hộ văn hóa, tri thức dân gian bản địa, phi vật thể.

Những xung đột này không chỉ là rào cản đối với sự phát triển tích cực của hai chế định nền tảng này. Chúng còn đe dọa tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực, triệt tiêu lẫn nhau trong thực tế. Do đó, xuất hiện nhu cầu cần phải nghiên cứu và phân tích sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ cả từ góc độ triết lý pháp luật lẫn thực tiễn pháp lý, đặc biệt là thực tiễn quốc tế qua phân tích so sánh, làm rõ bản chất và địa hạt của các chế đinh, chỉ ra nguồn gốc và phân tích các hình thái sự xung đột. Qua đó gợi mở hướng giải quyết phù hợp, đặc biệt là trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa hai chế định, góp phần vào sự phát triển tích cực của các chế định này trên thực tế.

Tuy đã có một lịch sử phát triển và áp dụng không ngắn như đã nêu, từ góc độ quốc tế, các nghiên cứu và công bố về sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ chỉ nhận diện và bắt đầu thực hiện một cách thường xuyên và có hệ thống từ những năm 1990. Trước đó, không có nhiều nghiên cứu về sự xung đột này. Có một số nghiên cứu nhưng chủ yếu mang tính hẹp, phản ánh sự xung đột giữa các quyền con người và sở hữu trí tuệ cụ thể như quyền tác giả với quyền tự do ngôn luận. Cũng chỉ có một số án lệ, nhất là ở Mỹ và Anh đề cập đến sự giao thoa giữa các quyền này trong một số tranh chấp cụ thể. Chỉ từ những năm 1990 trở đi, đặc biệt là với sự xuất hiện của WTO và Hiệp định TRIPS ẩn chứa các quy tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đe dọa các nghĩa vụ bảo hộ quyền con người quy định trong các điều ước quốc tế khác thì mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các nghiên cứu mang tính tổng quát, chuyên sâu đề cập đến triết lý và thực tiễn pháp lý của sự xung đột giữa quyền sở hữu trí tuệ và quyền con. Sự xuất hiện muộn mạng này có lý do của nó. Thứ nhất là, những năm đầu 1990 chứng kiến sự xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng dân chủ hóa và toàn cầu hóa trên toàn thế giới. Đi đầu của hai làn song này chính là các chế định về quyền con người và quyền công dân. Do đó, hai chế định này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả các học giả và nhà thực tiễn. Thứ hai, xuất hiện các sự xung đột mới giữa các quyền con người và quyền sở hữu cụ thể vốn không xảy ra trước đây. Ví như sáng chế và quyền tiếp cận thuốc ở các quốc gia đang phát triển. Hay nhãn hiệu và tự do kinh doanh ở các nước chuyển đổi. Thứ ba, sự xuất hiện của mạng Internet và công nghệ số hạt nhân của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản bộ mặt, bản chất và sự vận hành của các chế định pháp luật, nhất là quyền sở hữu trí tuệ và quyền tự do ngôn luận. Các nghiên cứu sâu sắc của các học giả toàn cầu đã tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn có một số hạn chế chủ yếu. Đầu tiên, đa số các nghiên cứu chỉ dừng ở thực tiễn của một hoặc một số quốc gia cụ thể, thường là cùng hệ thống pháp luật chứ ít có các nghiên cứu mang tính đại diện chung. Thứ hai, các nghiên cứu vẫn thường chỉ tiếp cận các xung đột cụ thể, ví dụ giữa quyền tác giả với quyền tự do ngôn luận. Có rất ít nghiên cứu có phạm vi bao quát. Thứ ba, các nghiên cứu đó cũng thường chỉ tiếp cận vấn đề từ một góc độ, phương pháp nhất định, ví như lịch sử, luật so sánh hay triết học pháp luật, chứ ít có nghiên cứu áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp.

            Ở trong nước, các nghiên cứu về sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ còn hiếm hoi hơn. Đa số các nghiên cứu đều tiếp cận các chế định này một cách độc lập, riêng biệt và không có mối liên hệ với nhau. Có một số ít công bố đề cập đến sự xung đột giữa một số quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ cụ thể. Nhưng tuyệt đại đa số các nghiên cứu đó là hết sức giản đơn, ngắn gọn, có tính chất mô tả và thường là nêu vấn đề mà chưa hề đi sâu vào tìm hiểu triết lý và nguồn gốc sâu xa của sự xung đột. Đặc biệt, các nghiên cứu đó khó có thể coi là các nghiên cứu có tính căn bản được.

Trong bối cảnh đó các tác giả của tác phẩm này đã xây dựng và tiến hành một nghiên cứu cơ bản về sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ tiếp cận từ cả góc độ triết lý lẫn pháp luật thực định. Nghiên cứu nêu và phân tích một cách hệ thống, chi tiết, chuyên sâu các triết lý căn bản đóng vai trò nền tảng trong nhận thức của nhân loại về quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới. Quan trọng hơn, tác phẩm sẽ phân tích quá trình pháp điển hóa các triết lý về quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ khác nhau đó thành các quy định pháp luật diễn ra như thế nào dưới các mô hình pháp luật cụ thể, điển hình. Chính từ đây, nghiên cứu sẽ phân tích, nhận diện các xung đột cụ thể hoặc tiềm tàng giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ từ các khía cạnh triết lý, quy phạm pháp luật và thực tiễn áp dụng. Nghiên cứu sẽ chỉ ra các tác hại và có thể cả lợi ích của sự xung đột đối với việc thực thi và bảo vệ quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, nghiên cứu phân tích và đề xuất các cơ chế, giải pháp điều hòa và giải quyết các xung đột này một cách đa chiều, từ cả góc độ lý thuyết lẫn thực tiễn. Từ đó, nghiên cứu cũng giải quyết các câu hỏi có tính thời sự không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện quốc tế. Nghiên cứu có các mục tiêu cụ thể sau: (1) Khái quát và phân tích các triết lý pháp luật căn bản và sự xung đột giữa các triết lý căn bản đó về quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và ở Việt Nam; (2) Tìm hiểu, so sánh các quy định pháp luật, các mô hình pháp luật về quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và ở Việt Nam và sự xung đột giữa các quy định đó; (3) Thu thập, phân tích các bản án, quyết định tiêu biểu của các cơ quan có thẩm quyền của các nước trên thế giới giải quyết mối xung đột về quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ; (4) Nêu và phân tích các hướng tiếp cận và giải quyết xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trên cả lý thuyết và thực tế.

Để giải quyết các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, các tác giả của nghiên cứu đã vận dụng một loạt các phương pháp nghiên cứu đặc thù của luật học lẫn phổ quát của khoa học xã hội nói chung. Trong đó, đặc biệt quan trọng là phương pháp duy vật, biện chứng phân tích sự xuất hiện và phát triển của các lý thuyết trong chính bối cảnh vận động nội tại của nó. Phương pháp phân tích mô tả là một công cụ quan trọng để trình bày, giới thiệu và mổ xẻ các triết lý cơ bản về quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trước khi phương pháp phân tích quy phạm và vụ việc được áp dụng để diễn giải việc áp dụng các triết lý đó vào việc xây dựng và giải thích nội dung các quy phạm trong các tranh chấp thực tiễn. Để bổ trợ cho các phương pháp nghiên cứu luật học truyền thống quan trọng đó, phương pháp luật so sánh sẽ giúp giải quyết câu hỏi về liên quan đến các quy tắc pháp lý điều chỉnh cùng một đối tượng của các nền tài phán khác nhau: chức năng, vai trò, ý nghĩa, giải thích, áp dụng, lịch sử hình thành và phát triển. Phương pháp lịch sử, do đó, cũng có vai trò quan trọng để hiểu được sự hình thành và phát triển của các triết lý và quy phạm khác nhau điều chỉnh cùng một đối tượng trong các bối cảnh, nền tài phán khác nhau. Và cuối cùng, phương pháp phân tích kinh tế luật là một công cụ hữu ích để hiểu được các lý giải về lợi ích của các triết lý đứng đằng sau nhiều quy phạm của quyền sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh nghiên cứu, với câu hỏi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu đã nêu quyển sách chuyên khảo này được cấu trúc thành sáu chương nội dung chính trình bày lập luận và phân tích giải quyết năm mối xung đột chính, điển hinh và phổ biến hiện nay giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trên cả thế giới lẫn Việt Nam.

Trong Chương 1 hai tác giả Đỗ Giang Nam và Trần Kiên sẽ trình bày khái quát mối quan hệ giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ để phác khảo khung lý thuyết đánh giá sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ trong từng trường hợp cụ thể được trình bày ở các chương sau. Với mục đích đó, chương sách này sẽ phân tích (i) lịch sử mối quan hệ giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ, (ii) các mô hình tiếp cận và (iii) cơ chế chung giải quyết xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ.

Tới Chương 2 hai tác giả Ngô Huy Cương và Nguyễn Khắc Thu sẽ phân tích sự xung đột giữa quyền tự do kinh doanh với nhãn hiệu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Các quyền này phải được hiểu như thế nào và chúng có hay không xung đột với nhau là câu hỏi mà chương này phải trả lời thông qua việc xác định rõ các thành tố của quyền tự do kinh doanh, nhãn hiệu và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm để xem mối liên hệ giữa chúng.

Trong Chương 3 tác giả Nguyễn Thị Quế Anh sẽ giới thiệu một nghiên cứu căn bản giải quyết sự xung đột giữa bảo hộ sáng chế với quyền sống và quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Mục đích của chương này là làm rõ những khác biệt trong cách tiếp cận của hai hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người và pháp luật về SHTT. Trên cơ sở đó tập trung xác định những khả năng xung đột giữa pháp luật bảo hộ các sáng chế với pháp luật bảo đảm các quyền con người cụ thể như quyền sống hay quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Hai tác giả Nguyễn Khắc Thu và Võ Trí Hảo sẽ thảo luận về mối quan hệ xung đột giữa nhãn hiệu và quyền tự do biểu đạt trong Chương 4. Ý tưởng cốt lõi của chương này là luật nhãn hiệu hiện nay trên thế giới đang chứng kiến xu hướng ngày càng mở rộng quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đối với nhãn hiệu. Đôi khi sự mở rộng này đi quá xa và xung đột với nhu cầu và lợi ích của các thương nhân khác hoặc của công chúng. Đặc biệt sự xung đột này càng dễ xảy ra khi không chỉ luật nhãn hiệu đang mở rộng phạm vi bảo vệ mà các luật khác về tự do biểu đạt, tự do cạnh tranh, quyền tác giả và những vấn đề khác cũng được mở rộng theo những bước phát triển mới của xã hội.

Tiếp nối phân tích đặt trọng tâm vào quyền tự do biểu đạt, trong Chương 5 tác giả Nguyễn Bích Thảo tiếp tục khai thác và giải quyết sự xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận. Quyền tác giả một mặt thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, mặt khác lại hạn chế, cản trở việc thực hiện quyền này. Để bảo đảm sự hài hòa, cân bằng giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận, góp phần vào sự phát triển của một xã hội dân chủ và tôn trọng các thành quả sáng tạo, cần có cơ chế pháp lý để giải quyết sự xung đột giữa hai quyền. Chương này sẽ phân tích, lý giải bản chất, căn nguyên của sự xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận và các giải pháp pháp lý hiện hành ở các quốc gia để khắc phục sự xung đột nói trên, từ đó đưa ra một số gợi mở cho pháp luật Việt Nam.

Và cuối cùng, trong Chương 6 tác giả Nguyễn Thị Phương Châm sẽ dành thời gian kiến giải về sự xung đột giữa quyền sở hữu trí tuệ và quyền bảo vệ văn hóa phi vật thể, văn hóa dân gian. Tiếp cận từ góc độ luật quốc tế và luật so sánh, tác giả sẽ cho độc giả thấy mối quan hệ đan xen, phức tạp cả về khái niệm, đặc tính, xung đột và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh phải bảo hộ văn hóa phi vật thể, văn hóa dân gian.

Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu bạn đọc ! 

***

Sự Xung Đột Giữa Quyền Con Người Và Quyền Sở Hữu Trí Tuệ: Tiếp Cận Từ Triết Lý Pháp Luật Và Thực Tiễn Pháp Lý - (bìa mềm) - Giá bìa: 150.000đ

Tác giả: Trần Kiên (chủ biên)

Nhà xuất bản: NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

***

Hình thức: bìa mềm

Số trang: 292

Trọng lượng: 300gram

Năm phát hành: 2020

***

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá TURT

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội
Ngày xuất bản2020-12-01 00:00:00
Số trang292
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội
SKU6585101747049
Liên kết: Sữa dưỡng sáng hồng da ngừa lão hóa Yehwadam Plum Flower Revitalizing Emulsion (140ml)

Các sản phẩm vừa xem