Giới thiệu Sách - Người đến từ Mariupol - Nastacha Wodin - Bình Book
Năm ngoái, đã nhiều lần tôi nhắc về “NGƯỜI ĐẾN TỪ MARIUPOL” – câu chuyện người thật việc thật của tác giả khi tìm hiểu về người thân ly tán từ Mariupol (Ukraine) trong chiến tranh Thế giới thứ Hai (Liên Xô – Đức) và hành trình tìm về cội nguồi, đồng thời phơi bày sự thực cuộc chiến một cách trần trụi.
Nay đọc bài viết Hồ Anh Thái, tôi giới thiệu lại:
Đọc Người đến từ Mariupol, người ta cùng lúc nhớ đến hai tác giả đoạt giải Nobel văn chương. Đặt bên Aleksandr Solzhenitsyn (Nobel 1970), câu chuyện của Người đến từ Mariupol sâu đậm hơn và gây chấn động hơn nỗi trần ai ở quần đảo Gulag. Đặt bên những thiên phóng sự của Svetlana Alexievich (Nobel 2015, Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ, Những nhân chứng cuối cùng), vốn là những bản gỡ băng phỏng vấn được sắp xếp có hàm ý, thì khả năng tổng hợp và chọn lọc tư liệu của Natascha Wodin gây ấn tượng hơn. Tác giả thể hiện một phương pháp điều tra báo chí rất tinh xảo và chính xác, đồng thời bộc lộ trí tưởng tượng phong phú trên nền tư liệu. Câu chuyện của đại gia đình, từ ông bà cha mẹ, chú bác cô dì cho đến những người em, đứa cháu, chỉ từ tư liệu mà được trí tưởng tượng của tác giả tái hiện và bóc gỡ đến tận cùng.
Phương pháp điều tra, trí tưởng tượng cộng với nhập thân hết mình vào nhân vật là những yếu tố nổi bật ở tác giả, khiến người đọc có lúc say mê đến mức thấy mình có thể đồng nhất và rung cảm với những số phận trong sách. Tác phẩm đã tạo ra một sự kiện văn chương ở CHLB Đức, đoạt giải thưởng của Hội chợ sách quốc tế Leipzig năm 2017 và Giải thưởng văn học Alfred Döblin…
***
NGƯỜI ĐẾN TỪ MARIUPOL
Tác giả: Natascha Wodin
Dịch giả: Hoàng Đăng Lãnh
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn
Khổ sách: 15 x 24 cm
Số trang: 300
Giá bìa: 235.000đ
Ngày xuất bản: Tháng 5/2020
***
Trong bức ghép hình mang tên châu Âu thế kỷ 20, có một mảnh sử rời không ai muốn nhắc. Một mảnh sử rời chính người trong cuộc cũng muốn xóa đi. Đó là là lịch sử của hơn năm triệu lao động cưỡng bức người Đông Âu trong Thế chiến II. Thân phận của họ trở thành một vết nhơ mà quốc gia nào cũng muốn chối bỏ. Cố quốc coi họ là kẻ phản bội, cúi đầu đi làm nô lệ cho kẻ thù.
Nước Đức, quốc gia trở nên hùng mạnh một phần nhờ mồ hôi và máu của “đám công nhân Miền Đông,” chỉ coi họ là những con vật người, sinh ra để bị bóc lột sức lao động đến hơi thở cuối cùng, trong điều kiện không hơn gì trại tập trung. Người đến từ Mariupol là khúc bi ca về một cuộc chiến nhỏ đã bị nhấn chìm trong cuộc chiến lớn: cuộc chiến giành lấy sự sống và đòi lại quyền được làm người.
Giá FINE